Ai trong chúng ta cũng đã từng bị bệnh. Dù là bệnh nặng hay bệnh nhẹ, cảm giác của chúng ta đều là rất khó chịu, chán ăn và mệt mỏi. Và dĩ nhiên, điều mong mỏi của chúng ta lúc đó là làm sao cho mình chóng khỏi bệnh càng nhanh càng tốt, để có thể trở lại sinh hoạt thường nhật và làm việc một cách bình thường. Đó là căn bệnh về thể lý. Có một thứ “bệnh” của tâm hồn còn trầm trọng hơn, nếu mắc phải sẽ gây cho chúng ta rất nhiều hệ lụy và sự nguy hiểm. Nguy hiểm không những đời này mà còn ở đời sau, đó là tội trọng. Ấy vậy mà nhiều người rất xem thường tội trọng. Khi mắc tội trọng lại không lo liệu đi xưng tội để phục hồi sự sống siêu nhiên, địa vị làm con Chúa mà cứ sống mãi trong tình trạng tội lỗi kéo dài. Cho nên năm 1946, Đức Giáo hoàng Piô XII nói: Tội lớn nhất của con người thời đại là mất cảm thức về ý nghĩa của tội. Câu nói của Đức Giáo hoàng đáng để cho chúng ta suy nghĩ về cảm thức tội lỗi trong thời đại hiện nay.
Vì sao lại có tình trạng mất cảm thức về tội? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này. Thứ nhất, người ta không còn cảm thấy sự xấu xa trong các tội mình đã phạm. Hầu như tội đối với họ chỉ là một điều gì đó xa vời và thậm chí là không tồn tại thứ gọi là tội. Nhiều người nói rằng, ngày nay nếu không mánh khóe, toan tính, thậm chí là lừa lọc, thủ đoạn thì làm sao tồn tại được trong xã hội này. Từ suy nghĩ đó, họ hành động như một tên “máu lạnh”, không hề biết xót thương và không quan tâm đến đồng loại, miễn sao họ đạt được mục đích, lợi nhuận và quyền lợi cho bản thân mình.
Thứ hai, người ta muốn tìm một sự bình an trong tội lỗi. Lập luận của họ là: biết bao nhiêu người phạm tội giống tôi mà có bị sao đâu? Chúa có phạt ai đâu? Có ai dám làm gì đâu? Và thế là họ tự ru ngủ chính mà và nghĩ rằng họ được bình an trong vỏ bọc số đông người phạm tội như vậy. Dễ dàng thấy ở những người không giữ luật buộc đi lễ ngày Chúa nhật và những ngày lễ trọng. Tội bỏ lễ ngày Chúa nhật là tội công khai, nhiều người dễ dàng nhận thấy mà họ còn lập luận như vậy. Huống chi là những tội khác phạm một cách âm thầm, kín đáo. Họ quên mất rằng, bình an đích thực chỉ có được nơi Thiên Chúa và chúng ta chỉ có thể kín múc được bình an đó khi chúng ta sống trong tình trạng ân sủng với Người, nghĩa là sạch tội trọng mà thôi. Vả lại, người ngày nay còn có một suy nghĩ là: đợi lúc sắp chết ăn năn vẫn còn kịp, lo gì. Xin thưa là: không kịp đâu. Chúa Giêsu đã nói hãy sẵn sàng, vì chính lúc ta không ngờ, Chúa sẽ đến (Mt 24, 37 – 25, 13). Thử hỏi, ai trong chúng ta biết được giờ chết của mình mà chuẩn bị ăn năn, thật là một suy nghĩ ngớ ngẩn.
Thứ ba, người ta không can đảm đứng ra nhận sự yếu đuối, tội lỗi của mình. Xu hướng che đậy yếu điểm của mình để người khác không phát hiện là xu hướng chung của mọi người, hầu như ai cũng đã từng làm hoặc ít ra là suy nghĩ tới điều này. Tuy nhiên, che đậy trước mặt người đời còn có thể được, nhưng làm sao có thể che đậy trước mặt Thiên Chúa được – đặc biệt là tội lỗi, khi Người là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn. Nhưng, người ta vẫn muốn che đậy, muốn sống trong tình trạng tội lỗi đó lâu hết sức có thể, vì nếu xưng tội thì sợ cái này, sợ cái kia. Nệ vào lý do này, lý do kia để trì hoãn việc xưng tội hay thậm chí là: tội tôi chưa đến nỗi nào.
Từ những lý do trên, tôi nhận thấy rằng: đánh mất cảm thức về tội là một điều rất nguy hiểm và đáng báo động. Vì thế, cần ý thức sự nguy hiểm của tội trọng như thế nào. Nó làm ta mất sự sống siêu nhiên, mất ơn thánh hóa, mất mọi quyền lợi của địa vị làm con Thiên Chúa, đáng chịu hình phạt ở đời sau và có khi ở đời này nữa. Chính vì thế, có được cảm thức về tội lỗi giúp chúng ta sống tốt hơn, biết nhận ra con người thật của mình: bất toàn, yếu đuối và giới hạn. Từ đó, càng phải cậy dựa, bám víu vào Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo và thánh thiện để được Người che chở và ban ơn.
Kết luận, người ta đánh mất cảm thức về tội là do không còn cảm thấy sự xấu xa trong các tội mình đã phạm, tìm kiếm sự bình an trong tội và không cảm thấy mình yếu đuối tội lỗi. Đối với những người như thế, giải pháp khả dĩ và duy nhất là đến với bí tích Giải tội càng sớm càng tốt. Chính nơi đây, họ mới thấy được sự xấu xa của tội, tìm được bình an đích thực và được bổ sức để khắc phục những yếu đuối của mình. Bao lâu còn sống trong tình trạng tội lỗi, thì mọi mối dây hiệp thông với Thiên Chúa và anh em đều bị cắt đứt hết và đó là điều thật nguy hiểm.
Long Xuyên, 06/11/2015
jbhoangthuan
0 comments: